Bình gốm Hoa lam Chu Đậu tại bảo tàng Topkapi Saray thủ đô Istambul - Thổ Nhĩ Kỳ
...Đến khi ông Makoto Anabuki nguyên Bí thư Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội, năm 1980 trong chuyến công tác tại Istambul, thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ, khi đến thăm bảo tàng Topkapi Saray đã nhìn thấy chiếc bình hoa lam quý giá có ghi dòng chữ Hán: “Thái Hòa bát niên, Nam Sách châu, tượng nhân Bùi Thị hý bút” (nghĩa là: Năm Thái Hoà thứ tám (đời vua Lê Thánh Tông 1450), thợ gốm họ Bùi, người châu Nam Sách, vẽ chơi)...
THÔNG ĐIỆP TỪ GỐM SỨ CỔ CHU ĐẬU

Chu Đậu là một vùng quê yên ả nằm bên tả ngạn sông Thái Bình thuộc trấn Thương Triệt, huyện Thanh Lâm, Nam Sách châu, nay là làng Chu Đậu, xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.
Theo các cụ già của làng kể lại thì xưa kia Chu Đậu là vùng Trần triều Hải khấu (cảng nhà Trần). Chữ Hán Chu là thuyền, Đậu là bến (bến thuyền đỗ). Nơi đây, thuyền bề ra vào tấp nập. Từ Chu Đậu, xuôi sông Thái Bình đến Nấu Khê, sang sông Kinh Thày ra cảng Vân Đồn – một cảng giao lưu với các nước của người Việt xưa. Cũng từ Chu Đậu xuôi sông Thái Bình sang sông Luộc đến Phố Hiến về Thăng Long – cũng là một thương cảng lớn từ thế kỷ XVII.
Từ lâu, người dân đồng bằng Bắc Bộ chỉ biết đến các làng gốm truyền thống Bát Tràng (Hà Nội), Hương Canh (Vĩnh Phúc), Thổ Hà, Phù Lãng (Hà Bắc)… còn gốm Chu Đậu, căn cứ vào những di vật có ghi rõ niên hiệu thì đã hơn 400 năm thất truyền. Đến khi ông Makoto Anabuki nguyên Bí thư Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội, năm 1980 trong chuyến công tác tại Istambul, thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ, khi đến thăm bảo tàng Topkapi Saray đã nhìn thấy chiếc bình hoa lam quý giá có ghi dòng chữ Hán: “Thái Hòa bát niên, Nam Sách châu, tượng nhân Bùi Thị hý bút” (nghĩa là: Năm Thái Hoà thứ tám (đời vua Lê Thánh Tông 1450), thợ gốm họ Bùi, người châu Nam Sách, vẽ chơi). Ông Makoto Anabuki đã viết thư cho Bí thư tỉnh ủy Hải Hưng là ông Ngô Duy Đông, nhờ các khảo cổ học chỉ cho chiếc bình gốm đó có xuất sứ từ làng gốm nào.
Sau một thời gian điền dã, khảo sát những dấu vết từ làng gốm cổ, từ năm 1986 đến 1997, các nhà khảo cổ học tỉnh Hải Dương đã xác định được phạm vi di tích sản xuất gốm rộng 4 vạn mét vuông tập trung nhất tại khu vực giáp đê sông Thái Bình thuộc địa bàn xã Thái Tân và Minh Tân huyện Nam Sách. Sau 7 lần khai quật, kết quả thu được thật bất ngờ đối với giới chuyên môn, còn đối với người dân địa phương thì họ đã khám phá được quá khứ lẫy lừng của tổ tiên mình: Hơn 100 đáy lò dưới lòng đất, hơn một vạn hiện vật chủ yếu là bát, đĩa, hộp, lọ, bình… Biện pháp bắn cacbon đã xác định được những sản phẩm này có niên đại cách đây khoảng 500 đến 600 năm.
Theo các nhà nghiên cứu thì Chu Đậu xưa là một trung tâm gốm cao cấp, xuất hiện vào cuối thế kỷ XIV, cực thịnh vào thế kỷ XV – XVI và tàn lụi vào thế kỷ XVII do nhiều nguyên nhân. Nội chiến giữa nhà Lê và nhà Mạc, vùng Nam Sách trong đó có làng gốm Chu Đậu đã bị tàn phá, các nghệ nhân làng gốm phải phiêu bạt đến vùng khác và lập nên các làng nghề gốm mới. Giặc Minh xâm lược nước ta đã bắt đi nhiều nghệ nhân giỏi, một số khác di cư sang Nhật, Triều Tiên hoặc đi tìm đường làm ăn ở các làng gốm trong nước như nghệ nhân Vương Quốc Doanh đã dẫn cả một đoàn thợ lên làng gốm Bát Tràng, góp phần làm cho gốm Bát Tràng hưng thịnh như ngày nay… Một nguyên nhân nữa là trấn Thương Triệt xưa là vùng chiêm trũng gần sông, dễ bị ngập lụt, khó tránh khỏi ảnh hưởng đến việc sản xuất gốm.
Cũng theo các nhà nghiên cứu, gốm Chu Đậu là sự kế thừa của gốm Vạn yên (Kiếp Bạc) thế kỷ XIII, gốm Lý – Trần về lớp men ngọc và tạo khắc hoa văn chìm nổi, kiểu dáng thanh thoát. Bởi vậy gốm Chu Đậu thời đó đã đạt được 4 tiêu chuẩn: Mỏng như giấy, trong như ngọc, trắng như ngà, kêu như chuông. Một điều nữa là gốm Chu Đậu đã thể hiện được tâm hồn Việt qua hoa văn trang trí gắn với thiên nhiên và cuộc sống của cư dân vùng châu thổ sông Hồng như cảnh mục đồng chăn trâu, cô gái lái đò, người đội nón, mặc áo tứ thân, kết tóc đuôi sam, những mái nhà tranh ven sông, hoa sen dây, hoa cúc quấn, cỏ cây chim cá… Giữa các sản phẩm thường có chữ Phúc, Chính, Sĩ, Hoa, Trung, Kim, Ngọc, Tàm, Quỳ, Trù…, có thể là tên hiệu của các chủ lò. Phương pháp chế tạo cũng đạt trình độ cao, đó là chuốt, tạo dáng trên bàn xoay, ngắt sản phẩm thành nhiều công đoạn rồi lắp ghép lại và gia công. Xương gốm phần lớn có màu xám nhạt, cứng rắn, có loại trắng đục, trắng trong. Phương pháp trang trí rất đa dạng, phóng khoáng, trữ tình, hài hòa, tinh xảo như vẽ, khắc, họa, đắp… sản phẩm được phủ và vẽ chất liệu men trắng hoa lam, men ngọc, men màu tam thái hoặc rạn đục…
Người có công lớn với nghề gốm cổ truyền Chu Đậu là nghệ nhân Đặng Mậu Nghiệp tự là Huyền Thông, quê ở Hùng Thắng châu Nam Sách. Cũng tại bảo tàng Topkapi Saray ở thủ đô Istambul (Thổ Nhĩ Kỳ) còn lưu giữ chiếc lư hương gốm mầu xanh xám của ông làm từ năm Hưng Trị thứ 2 (1589), một trong hai cổ vật gốm quý giá nhất của Chu Đậu. Người làng Chu Đậu xưa đã tôn ông là ông tổ nghề gốm Chu Đậu.
Đầu năm 1994, tại vùng biển Cù Lao Chàm tỉnh Quảng Nam, ngư dân Duy Xuyên và Hội An đã phát hiện và lặn vớt được rất nhiều hiện vật gốm. Các nhà khảo cổ học Hội An, qua giám định khoa học, đã bất ngờ thấy rằng toàn bộ hiện vật gốm này đều có nguồn gốc từ làng gốm Chu Đậu, được sản xuất vào khoảng thế kỷ XIV – XVI. Hơn 340 nghìn hiện vật gốm, trong đó khoảng trên 250 nghìn hiện vật còn lành, chứng tỏ từ xa xưa, gốm Chu Đậu đã được xuất cảng rộng rãi với số lượng lớn bằng con đường hàng hải. Như vậy Chu Đậu xưa là nơi hoạt động, sản xuất đồ gốm dân dụng và mỹ thuật phồn thình của cư dân Việt.
Đến nay, những sản phẩm gốm Chu Đậu đã được tìm thấy ở rất nhiều nơi trên thế giới. Từ Ai Cập đến Trung Cận Đông và toàn bộ các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Nhật Bản là nước có sản phẩm gốm Chu Đậu nhiều nhất. Đến nay đã có 46 bảo tàng của các nước trên thế giới có trưng bày các hiện vật gốm Chu Đậu.
Giá trị của gốm Chu Đậu, sau khi được tìm thấy ở Cù Lao Chàm, đã làm sửng sốt trong giới học giả và mọi người. Tờ Việt Mercury số ra tháng 6/2000 đã đăng lời bà Dessa Goddard – Giám đốc ngành nghệ thuật Á Châu của nhà bán đấu giá Butterfields tại San Francisco:“Phát hiện này đang trả lại cho Việt Nam một chương của di sản nghệ thuật mà người ta từng nghĩ là đã hoàn toàn biến mất”.
Ý kiến bạn đọc